Công việc làm túi giấy đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ năng phức tạp, lại có thể làm việc tại nhà bất kể thời gian nào nên hiện rất được nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng. Thêm nữa, với chính sách bảo vệ môi trường, túi giấy được khuyến khích sử dụng ngày càng nhiều để thay dần túi nilon từ đó tạo công ăn việc làm ổn định cho chị em, tăng thu nhập nâng cao đời sống.

Ra đời chỉ mới gần sáu tháng, “Tổ phụ nữ gia công dán túi giấy thân thiện môi trường” của Hội LHPN xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM được xem là mô hình sáng tạo “2 trong 1”: vừa hưởng ứng phong trào “Phụ nữ nói không với túi ni lông”, vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhiều phụ nữ.

Vài tháng gần đây, căn nhà của chị Võ Ngọc Thu (39 tuổi), người có trên 20 năm sống bằng nghề xếp dán túi giấy trở thành chốn lui tới học nghề của 12 thành viên “Tổ phụ nữ gia công dán túi giấy thân thiện môi trường”.

túi giấy
Túi giấy đựng bánh mì

Bên những chồng giấy nguyên liệu ngổn ngang chen lẫn những túi giấy đã hoàn tất, chị Thu hồ hởi: “Nghề dán giấy này đã gắn bó với tôi từ năm 14 tuổi”. Chị kể, gia đình chị ở khu vực xóm Bình Đông, gần khu Mễ Cốc (Q.8) từng làm nghề cắt dán giấy mấy chục năm. Mẹ chị truyền nghề cho cả bốn người con gái. Khi chị lấy chồng, nhà dời về Bình Chánh, vợ chồng chị chọn nghề này để kiếm sống. Chồng chị hiện đang làm ở một xưởng sản xuất bao bì gần nhà và đây cũng là nơi chị lấy hàng về để gia công. “Nguồn hàng gia công có quanh năm. Nếu chịu khó học hỏi, chuyên cần, cộng thêm một chút nhanh nhẹn, khéo tay là có thể sống khỏe. Hiện nay, mỗi ngày, một mình tôi có thể làm trên 1.000 sản phẩm, thu nhập từ 180.000-200.000đ. Nhờ đó, vợ chồng tôi nuôi hai con ăn học (hiện con trai đầu đang học ĐH Kinh tế, con trai út đang học lớp 12)” – chị Thu khoe.

Trước thực trạng nhiều phụ nữ trên địa bàn chưa có việc làm ổn định, tháng 9/2013, Hội LHPN xã đã vận động cho ra đời “Tổ phụ nữ gia công dán túi giấy thân thiện với môi trường” do chị Võ Ngọc Thu làm tổ trưởng. Thành viên tổ đa số là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nhàn rỗi muốn tìm cơ hội để cải thiện thu nhập. Dì Huỳnh Thị Thúy Lan, 56 tuổi (ngụ C1/49, ấp 3, xã Bình Chánh), cho biết gia đình dì thuộc diện khó khăn. Chồng dì làm thợ hồ, thu nhập thấp, công việc lúc có lúc không. Người con trai duy nhất hiện đang làm công nhân, thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Lâu nay sức khỏe dì yếu nên chỉ quanh quẩn ở nhà làm nội trợ. “Việc cắt dán xếp giấy thấy đơn giản vậy nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy khó. Cần phải khéo tay, cần mẫn. Giờ quen rồi, mỗi ngày dì cũng có thể cắt dán thành phẩm ba-bốn trăm túi, thu nhập từ 80.000-120.000đ. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng cải thiện đáng kể thu nhập gia đình” – dì Thúy Lan vui mừng nói.

Một trường hợp khác, nhờ gia nhập tổ đã cải thiện cuộc sống gia đình là chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, 46 tuổi. Kinh tế khó khăn, ba người con của chị Tuyết phải bỏ học, đi làm thuê, chồng chị làm công nhân. Chị không nghề nghiệp. Đang lúc quyết tâm tìm cho mình một công việc làm thêm, chị được Hội PN giới thiệu vào tổ. Sau vài tháng học việc, đến nay chị cũng bắt đầu có thu nhập từ 50.000-70.000đ/ngày.

Hiện, sản phẩm mà tổ gia công rất đa dạng, đáp ứng được nhu cầu các bà nội trợ, đặc biệt là các tiểu thương đang tham gia cuộc vận động sử dụng các loại túi giấy, túi tự hủy, túi thân thiện môi trường thay thế dần các sản phẩm túi ni lông độc hại.

Bà Lê Thị Cẩm Nhung – Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Chánh cho biết, tổ tuy mới thành lập, nhưng nhiều chị em đã có thu nhập từ 50.000-120.000đ/ngày. Hiện nay, Hội đã cho bốn chị vay vốn, mỗi chị năm triệu đồng để mua dụng cụ. “Việc ra đời của tổ vừa góp phần giải quyết công ăn việc làm, vừa là mô hình hiệu quả tham gia phong trào hạn chế sử dụng túi ni lông. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ gia công dán túi giấy phát huy hiệu quả” – bà Lê Thị Cẩm Nhung nói.

Đánh giá post

Pin It on Pinterest